1) Toàn quẻ :
- Khiêm tốn tất được lòng người, nên sau quẻ Khiêm là quẻ Dự (Tin tưởng)
- Quẻ này Chấn có tính động ở trên, Khôn có tính thuận ở dưới. Hành động mà hoà thuận, bởi vậy vui vẻ, nên đặt tên quẻ là Dự.
- Hoặc còn có nghĩa là sấm nổ ở trên đất, khí dương phát động thì muôn vật nở sinh.
2) Từng hào :
Sơ Lục : bất chính bất trung, là kẻ hèn hạ cậy thế Cửu Tứ, đắc chí khoe khoang, hung.(ví dụ bọn đầy tớ cậy chủ giầu và bọn lại cậy thế quan, hống hách làm xằng)
Lục Nhị : đắc trung đắc chính, trong cảnh vui vẫn giữ cao cảnh giác, không sa đọa. (Ví dụ Tề hoàn Công tuy ham mê tửu sắc, nhưng vẫn tin cậy hiền thần, chăm chỉ làm việc Bá)
Lục Tam : bất trung bất chính như Sơ Lục, nhưng ở địa vị cao hơn, gần người trên là Cửu Tử, nịnh hót để cầu danh lợi. Kết quả sẽ hữu hối. (Ví dụ Dương quốc Trung, anh của Dương quý Phi)
Cửu Tứ : làm chủ quẻ, mọi người đều trông chờ vào Tứ để được an vui. Nhưng trên và dưới Tứ đều là âm nhu, nên địa vị của Tứ cũng nguy nghi. Tứ phải lấy lòng thành đãi người, sẽ được mọi người tin theo. (Ví dụ Richelieu chỉ nghĩ làm sao cho quyền vua được mọi người tôn trọng và nước Pháp được cường thịnh, chứ không nghĩ đến lợi riêng, nên thành công)
Lục Ngũ : nhu ở vị trí tôn, trên Cửu Tứ, có hư vị chứ không có thực quyền (Ví dụ Louis XIII giao trọn quyền cho Richelieu, hoặc vua Lê để chúa Trịnh đè nén. Tuy mất thực quyền, nhưng vì lòng dân quyến luyến, nên vô hại)
Thượng Lục : mê tối vui chơi. Nhưng cũng may Thượng ở Chấn thế, nếu còn biết tự cường sửa đổi thì không đến nỗi tội lỗi. (ví dụ Sở Trang vương, sau một thời gian vui chơi không nghĩ đến việc nước, phát phẫn tự cường, thành một vị minh quân)
B - Nhận Xét Bổ Túc.
1) Ý nghĩa quẻ Dự :
a) Quẻ này toàn hào âm, trừ Cửu Tứ làm chủ quẻ. Tứ là dương hào, tức người có tài, lại gần Lục Ngũ là vị chí tôn, nên có thể được lòng tin theo của mọi người, cả trên lẫn dưới. Nhưng cũng nên để ý rằng hạ quái âm có khí thế đang lên, phải đề phòng một lúc nào đó nó có thể lấn áp thượng quái dương.
b) Ta có thể so sánh quẻ Dự này với quẻ tương tự, có hạ quái là Khôn và thượng quái chỉ có một hào dương, nhưng ở vị trí khác. Ví dụ với quẻ Thủy Địa Tỷ số 8, trong đó chủ quẻ là hào Cửu Ngũ, đắc chính, đắc trung, ở địa vị chí tôn, nên có thể thống nhất được quần âm. Còn ở quẻ Dự, chủ quẻ là Cửu Tứ bất chính bất trung, chỉ có thể là một vị nhân thần tài cao quyền lớn, lấy được lòng tin của quân vương và thiếp phục được dân chúng trong một thời, nhưng không đủ tư cách để thống nhất toàn dân.
2) Bài học :
- Quẻ này nói chung rất tốt, quần âm đều tin theo Cửu Tứ, nên thiên hạ được an vui. Tuy vậy vẫn phải nhớ rằng địa vị của Tứ bất Chính, nếu quá say mê thắng lợi mà bỏ chính đạo, thì sẽ bị lật nhào.
- Vậy nếu ta bói được quẻ Dự, tức là điềm tốt, ta đã lấy được lòng tin tưởng của đối phương, thì nên xử sự sao cho giữ vững được niềm tin đó, nếu không sẽ gập hung. Ví dụ:
- Họ Ngô trong mấy năm đầu xây dựng miền Nam chống cộng, được dân tin theo, nhưng về sau rơi vào tệ gia đình trị, nên bị lật đổ.
- Mussolini là vị lãnh tụ có tài, lúc đầu được toàn dân ý tin theo, nhưng rồi nghiêng về chính sách hiếu chiến, ngược với quyền lợi của dân ý, nên bị hạ bệ và mạng vong.
- Một người chồng tài giỏi, nuôi gia đình được ấm no, nên vợ tin phục,nhưng về sau chơi bời, làm mất lòng tin của vợ, nên gia đình sinh lục đục, lụn bại.
1) Toàn quẻ :
- Trong lúc nhân tâm ly tán, tất nhiên có kiển nạn (gay go ngăn chặn). Nên tiếp sau quẻ khuê là quẻ Kiển.
- Tượng hình bằng trên Khảm dưới Cấn, trước mặt bị sông ngăn, sau lưng bị núi chặn. Còn một nghĩa nữa là dù gặp cảnh ngộ nguy hiểm (Khảm), cứ bền lòng không nao núng (Cấn), sẽ được Cát.
- Quẻ này ứng vào thời kỳ đầy nguy hiểm, vấn đề tiến lui vô cùng quan trọng. Nhưng được hai hào đắc trung là Cửu Ngũ và Lục Nhị chính ứng. Vậy người quân tử gặp cảnh ngộ đó chỉ nên trở lại xét mình, tu thêm đức, thì sẽ có thể thoát hiểm được.
2) Từng hào :
Sơ Lục : bản chất âm nhu, lại bất chính, không qua được Kiển đâu. Cứ tiến lên sẽ nguy, biết dừng lại chờ thời thì sẽ tốt hơn. (Ví dụ gặp thời kinh tế khủng khoảng, muốn làm giầu sẽ bị sạt nghiệp).
Lục Nhị : trung, chính, trên được Cửu Ngũ giao phó cho trọng trách đối phó với những khó khăn. Cứ việc tiến hành công việc. Dù thành công hay thất bại, cũng giữ đạo quân tử. (Ví dụ vì vua Trụ vô đạo, chư hầu đều phản, riêng thái sư Văn Trọng vẫn một lòng trung).
Cửu Tam : cương dũng, gặp thời Kiển nếu tiến sẽ gặp nguy vì người ứng là Thượng Lục lại tài hèn. Chi bằng lui về thế thủ, hòa hoãn với Sơ, Nhị, may ra khỏi được kiển nạn. (Ví dụ Hitler cậy vào đồng minh hèn là Mussolini muốn thống trị Âu Châu, nên gặp sự chống đối mọi cường quốc. Nếu biết hòa hoãn với Anh, Pháp, thì may ra đánh được Nga cộng sản là kẻ thù chính).
Lục Tứ : trùng âm, là người tài hèn, không đủ sức để một mình thoát kiển nạn đâu (vì không ứng với Sơ Lục). Nếu biết lấy lòng chí thành đãi Cửu Tam, có thể được giúp đỡ đắc lực. (Ví dụ Lưu Biểu tự biết mình kém tài, không dám tung hoành thiên hạ, lại biết thu dụng Lưu Bị nên Kinh Châu được tạm yên một dạo).
Cửu Ngũ : ở vị chí tôn, thời Kiển phải chịu trách nhiệm to lớn. Cũng may được Lục Nhị trung chính, kéo cả mọi người cùng theo. (Ví dụ Henri IV lên làm vua lúc hai đạo Công giáo và Tin Lành đương tranh giành. May được Sully và các trung thần giúp đỡ, nên nước Pháp lại được thống nhất và thái bình).
Thượng Lục : thời Kiển đã cùng cực rồi, sắp thông. Tiến liều sẽ sụp hiểm. Biết chờ bạn dương cương là Ngũ tới giúp, sẽ thành công. (Ví dụ đầu năm 1918, Đức đã bắt đầu suy, Foch không vội công mà chỉ thủ, chờ quân đồng minh Mỹ tới nhiều mới tổng phản công).
B - Nhận Xét Bổ Túc.
1) Ý nghĩa quẻ Kiển :
a) Ta có thể nhận thấy rằng quẻ này là quẻ Sơn Thủy Mông số 4 lộn ngược. Tượng quẻ Mông là dưới núi có hiểm nên ngoài chẳng dám bước vào, vì mù mờ. Còn ở quẻ Kiển thì là sông ngăn chặn đàng trước, núi ngăn chặn đằng sau, biểu thị một tình trạng nguy hiểm chứ không phải chỉ mù mờ mà thôi.
b) So sánh với quẻ Khuê, thì quẻ Kiển còn hung hiểm hơn, vì ở đây không còn nói chuyện khoan hòa chống lại bạo tàn nữa (một việc chỉ có thể làm được khi sức mình không đến nỗi quá kém đối thủ), mà phải bền gan chịu đựng mọi gian khổ, miễn sao có thể sinh tồn để tìm lối thoát thân.
2) Bài học.
Đồng thời quẻ này cũng chỉ bảo cho ta phương pháp đối phó là óc mạo hiểm (Khảm) và đức tự Kiềm (Cấn).
a) Nếu nhìn thấy nguy hiểm trước mắt, thì phải dừng lại, đừng có liều lĩnh tiến bước. Ví dụ trước sự tấn công ồ ạt của 100 vạn quân Tào, Khổng Minh khuyên Lưu Bị bỏ Tân Dã, Phàn Thành, tạm lui về Kinh Châu.
b) Nếu đã sa vào nguy hiểm rồi, thì phải mạo hiểm tiến lên tìm cái sống trong cái chết. Ví dụ: trong trận Đương Dương Trường Bàn, Trương Phi liều một mình một ngựa chặn cầu, tạo thế nghi binh, khiến cho quân Tào nghi là mẹo Khổng Minh, phải bỏ chạy.
1) Toàn quẻ :
- Nạn không thể kéo dài mãi, tất có lúc tan. Nên tiếp theo quẻ Kiển là quẻ Giải.
- Tượng hình bằng trên Chấn dưới Khảm, có sấm rồi thành mưa, khí u uất được giải tán.
- Thánh nhân xem tượng quẻ, biết rằng vì hiểm mà sinh ra nạn, vì động mà thoát được nạn. Và sau khi nạn đã được trừ rồi, nên dùng đường lối quảng đại khoan dung, chớ phiền nhiễu mà cũng tránh nhu nhược (Lục ngũ khoan hòa và Cửu Nhị cương quyết).
2) Từng hào :
Sơ Lục : âm hào cư dương vị, trên ứng với Cửu Tứ, tức là cương nhu đắc nghi ở thời Giải, cứ vô vi là được vô cựu, việc gì cũng xong. (Ví dụ Tào Tham tiếp quyền Tiêu Hà, cứ ngồi rủ áo mà thiên hạ vẫn thái bình).
Cửu Nhị : dương cương đắc trung, lại ứng với Lục Ngũ là bậc chí tôn. Không thể vô vi như Sơ, mà phải gánh vác việc nước mạnh mẽ. (Ví dụ Khương tử Nha giúp vua Văn vua Vũ phạt Trụ).
Lục Tam : bất trung bất chính, là kẻ tiểu nhân huênh hoang, chỉ rước vạ vào mình. (ví dụ Dương Khuông, cậu Trịnh Khải, vô tài mà đòi trừng trị kiêu binh. Nếu không được Dương Thái phi ra lậy van thì đã bị kiêu binh xé tan xác).
Cửu Tứ : có tài dương cương, nhưng lại ứng với Sơ Lục là kẻ tiểu nhân. Phải tuyệt giao với Sơ thì quân tử mới tin cẩn Tứ được, (ví dụ Đường Minh Hoàng say đắm Dương quí Phi, gây loạn An Lộc sơn. Sau phải giết Quí Phi, quân lính mới chịu theo).
Lục Ngũ : ở vị chí tôn nhưng âm nhu, ở thời Giải quan hệ với thế đạo rất lớn nên thánh nhân răn: “Phải xa tiểu nhân”. (ví dụ Lê Thái Tông thừa hưởng cơ nghiệp của Thái Tổ, công việc kiến thiết còn bề bộn, mà đã gần tiểu nhân, mê say tửu sắc, nên đoản thọ ở Lệ chi viên).
Thượng Lục : thời Giải đã tới, dù ở phía ngoài còn vài kẻ bội loạn, cũng dễ dàng đối phó được. (ví dụ Tấn Văn Công sau khi phục quốc, ân xá cả những kẻ thù nghịch trước. Hoặc Trần Nhân Tông, sau khi đánh lui được quân Nguyên, sai đốt cháp thơ từ mật của vài kẻ hai lòng thông tin với giặc).
B - Nhận Xét Bổ Túc.
1) Ý nghĩa quẻ Giải :
Quẻ này rất tốt, mặc dù có Khảm, vì trên Chấn dưới Khảm có nghĩa là Sấm nổ sẽ có mưa, giải được khí oi bức. (Khảm ở đây không phải là nguy hiểm mà là mưa). Tức là báo điềm các khó khăn đã được hoặc sẽ được giải quyết, người bói quẻ bắt đầu được hưởng một cuộc sống dễ dãi hơn. Còn ý nghĩa là tinh thần mạo hiểm, không ngại khó khăn (Khảm) sẽ thắng được những cuộc náo động gây rối (Chấn) .
2) Bài học .
Vậy tùy trường hợp, bài học của Giải có thể là:
- vô vi, đừng nhiễu sự, như Sơ Lục
- hành động sấm sét ngay, như Cửu Nhị
- chớ có huênh hoang cầm quyền nếu mình bất tài, như Lục Tam
- chớ gần tiểu nhân như Cửu Tứ và Lục Ngũ
- khoan hồng ân xá như Thượng Lục.